Lịch sử Cà_Mau_(thành_phố)

Thời phong kiến

Cà Mau được mở mang cách đây 300 năm. Vào thế kỷ 17, một số lưu dân người Việt vì không chịu nổi cảnh áp bức bóc lột của chế độ phong kiến đã rời bỏ quê hương nơi cư trú đến làm ăn sinh sống tại đây, dựng thành một xã với tên gọi "xã Cà Mau". Đến năm 1808, dưới thời vua Gia Long, địa bàn Cà Mau được nâng lên thành huyện Long Xuyên thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Năm 1825, dưới thời vua Thời Minh Mạng, nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị.

Thời Pháp thuộc

Ngày 15 tháng 6 năm 1867, thực dân Pháp thành lập hạt Cà Mau gồm địa bàn huyện Long Xuyên cũ. Tuy nhiên đến ngày 1 tháng 8 năm 1877, thực dân Pháp lại giải thể hạt Cà Mau, nhập vào địa bàn hạt Rạch Giá.

Ngày 18 tháng 2 năm 1882, chính quyền Pháp lấy một phần đất Bạc Liêu thuộc tỉnh Sóc Trăng, một phần đất Cà Mau thuộc Rạch Giá hợp thành tỉnh Bạc Liêu. Thời Pháp thuộc, Cà Mau là một quận của tỉnh Bạc Liêu, quận lỵ đặt tại làng An Xuyên thuộc tổng Quản Long.

Giai đoạn 1956-1975

Việt Nam Cộng hòa

Ngày 9 tháng 3 năm 1956, theo Sắc lệnh 32/NV, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Cà Mau, tỉnh lỵ ban đầu có tên là Cà Mau. Tỉnh lỵ Cà Mau nằm trong địa bàn xã An Xuyên, tổng Quản Long, quận Châu Thành.

Đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để " thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Cà Mau được đặt tên mới là tỉnh An Xuyên, còn tỉnh lỵ đổi tên là "Quản Long".

An Xuyên chính là tên của làng sở tại trước kia thuộc tổng Quản Long, vốn là nơi đặt quận lỵ quận Cà Mau trước năm 1956. Lúc này, xã An Xuyên cũng được đổi tên thành xã Tân Xuyên thuộc quận Quản Long và là nơi đặt tỉnh lỵ Quản Long của tỉnh An Xuyên.

Thời Việt Nam Cộng hòa, địa bàn thành phố Cà Mau ngày nay tương ứng với quận Quản Long (do đổi tên từ quận Châu Thành cũ) thuộc tỉnh An Xuyên và gồm 4 xã: Tân Xuyên, Tân Lộc, Hòa Thành, Định Thành. Trong đó, xã Tân Xuyên đóng hai vai trò là quận lỵ quận Quản Long và là tỉnh lỵ tỉnh An Xuyên.

Chính quyền Cách mạng

Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh An Xuyên mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, tên gọi "Quản Long" cũng không được chính quyền Cách mạng công nhận và sử dụng. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng thành lập và duy trì tên gọi thị xã Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau trong suốt giai đoạn 1956-1976. Địa bàn thị xã Cà Mau tương ứng với xã Tân Xuyên thuộc quận Quản Long, tỉnh An Xuyên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1964, chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt NamViệt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập hai tỉnh riêng biệt là Cà MauBạc Liêu dựa theo sự phân biệt địa giới hành chính của Việt Nam Cộng hòa để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào cách mạng ở mỗi nơi. Địa bàn quận Quản Long của chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó tương ứng với thị xã Cà Mau và huyện Châu Thành của tỉnh Cà Mau. Huyện Châu Thành gồm 6 xã: Hoà Thành, Định Thành, Thạnh Phú, Lợi An, An Xuyên, Tân Thành và thị trấn Tắc Vân.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn duy trì thị xã Cà Mau và huyện Châu Thành cùng thuộc tỉnh Cà Mau cho đến đầu năm 1976.

Từ năm 1976 đến nay

Tháng 3 năm 1976, chính quyền Cách mạng hợp nhất hai tỉnh Cà MauBạc Liêu thành tỉnh mới có tên là tỉnh Minh Hải. Tỉnh lỵ ban đầu đặt tại thị xã Minh Hải (được đổi tên từ thị xã Bạc Liêu trước đó). Lúc này, thị xã Cà Mau và huyện Châu Thành cùng thuộc tỉnh Minh Hải.

Ngày 11 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định số 181-CP về việc giải thể huyện Châu Thành thuộc tỉnh Minh Hải và việc sáp nhập các xã trước đây thuộc huyện Châu Thành vào một số huyện khác thuộc tỉnh Minh hải như sau:

  1. Sáp nhập xã Định Thành, xã Hòa Thành, xã Tân Thành và thị trấn Tắc Vân vào huyện Giá Rai;
  2. Sáp nhập xã Lý Văn Lâm, xã Lương Thế Trân vào huyện Trần Văn Thời;
  3. Sáp nhập xã An Xuyên vào huyện Thới Bình

Ngày 25 tháng 07 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 275-CP[6] về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc huyện Cà Mau:

  1. Chia xã Hòa Thành thành ba xã lấy tên là xã Hòa Thành, xã Hòa Tân và xã Bình Thành
  2. Chia xã Tân Thành thành ba xã lấy tên là xã Tân Thành, xã Tân Định và xã Tân Thạnh.
  3. Chia xã An Xuyên thành hai xã lấy tên là xã An Xuyên và xã An Lộc.
  4. Chia xã Lương Thế Trân thành ba xã lấy tên là xã Lương Thế Trân, xã Thạnh Trung và xã Thạnh Phú.
  5. Chia xã Định Thành thành ba xã lấy tên là xã Định Thành, xã Định Hòa và xã Định Bình.
  6. Thành lập (trên phần nửa đất của xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình tách sang huyện Cà Mau) một xã mới lấy tên là xã Tân Lợi.

Ngày 30 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 94-HĐBT[7], giải thể huyện Cà Mau, sáp nhập toàn bộ 9 xã, 1 thị trấn của huyện Cà Mau vào thị xã Cà Mau và sáp nhập 7 xã còn lại của huyện Cà Mau vào các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải như sau:

  1. Sáp nhập thị trấn Tắc Vân và các xã Tân Định, An Xuyên, An Lộc, Bình Thành, Hoà Tân, Hoà Thành, Tân Thành, Định Bình, Lý Văn Lâm của huyện Cà Mau vào thị xã Cà Mau;
  2. Thị trấn Tắc Vân giải thể thành xã Tắc Vân;
  3. Sáp nhập 1/3 ấp Sở Tại của xã Thạnh Phú (huyện Cà Mau) vào xã Lý Văn Lâm.
  4. Sáp nhập ấp Chánh của xã Thạnh Trung (huyện Cà Mau) vào phường 8 của thị xã Cà Mau.
  5. Sáp nhập các xã Định Hoà, Định Thành, Tân Thạnh của huyện Cà Mau vào huyện Giá Rai cùng tỉnh.
  6. Sáp nhập xã Tân Lợi của huyện Cà Mau vào huyện thới Bình cùng tỉnh.
  7. Sáp nhập các xã Lương Thế Trân, Thạch Trung, Thạch Phú của huyện Cà Mau vào huyện Cái Nước cùng tỉnh. Sáp nhập 1/3 ấp ông Muộng của xã Lý Văn Lâm (thị xã Cà Mau) vào xã Thạch Phú của huyện Cái Nước.

Ngày 18 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 170-HĐBT[8] về việc chuyển tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau.

Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT[9] về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường của các thị xã Cà Mau:

  1. Sáp nhập phường 2 và phường 3 thành một phường lấy tên là phường 2.
  2. Tách 950 hécta đất với 2.500 nhân khẩu của phường 8 để sáp nhập vào xã Lý Văn Lâm.
  3. Sáp nhập xã Tân Thành và xã Tân Định thành một xã lấy tên là xã Tân Thành.
  4. Sáp nhập xã An Xuyên và xã An Lộc thành một xã lấy tên là xã An Xuyên.
  5. Giải thể xã Bình Thành để sáp nhập vào hai xã Hoà Thành và Hoà Tân; tách một phần diện tích và dân số của hai xã này để sáp nhập vào xã Định Bình.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh [10], theo đó tỉnh Minh Hải được tách ra thành hai tỉnh là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu. Khi đó thị xã Cà Mau trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Cà Mau.

Ngày 14 tháng 04 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 21/1999/NĐ-CP[11] về việc thành lập THÀNH PHỐ CÀ MAU thuộc tỉnh Cà Mau trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Cà Mau. Thành phố Cà Mau có 24.580,33 ha diện tích tự nhiên và 176.848 nhân khẩu, gồm 15 đơn vị hành chính cơ sở là các phường: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và các xã: An Xuyên, Tân Thành, Tắc Vân, Định Bình, Hòa Thành, Lý Văn Lâm và Hòa Tân.

Ngày 04 tháng 06 năm 2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP[3] về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã; thành lập xã, phường, thị trấn thuộc huyện U Minh, huyện Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau như sau:

  1. Thành lập phường Tân Xuyên thuộc thành phố Cà Mau trên cơ sở điều chỉnh 1.887,50 ha diện tích tự nhiên và 6.261 nhân khẩu của xã An Xuyên.
  2. Thành lập phường Tân Thành thuộc thành phố Cà Mau trên cơ sở điều chỉnh 1.115,32 ha diện tích tự nhiên và 5.137 nhân khẩu của xã Tân Thành.

Ngày 6 tháng 8 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg[1] về việc công nhận thành phố Cà Mau là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Cà Mau.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cà_Mau_(thành_phố) //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://tpcm.camau.gov.vn/ http://www.camau.gov.vn/ http://www.camau.gov.vn/index.php?o=modules&n=info... http://www.camau.gov.vn/wps/portal/!ut/p/a1/tVVNd5... http://ibst.vn/DATA/nhyen/QCVN%2002-2009%20BXD%20S... http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Quyet... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Ng... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q...